Từ thực tế các vụ cháy, nổ diễn ra tại công trường xây dựng trong những năm gần đây, có thể thấy các nhà thầu, chủ đầu tư và chính người lao động chưa thực sự đề cao công tác an toàn Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong quá trình thi công. Các nguy cơ cháy, nổ tại công trình xây dựng, có thể do chủ quan của con người hoặc phát sinh trong quá trình sản xuất hoặc sinh hoạt. Do đó, phòng chống cháy, nổ trên công trường là một việc làm quan trọng để đảm bảo an toàn lao động.
Tại công trường dễ dàng bắt gặp hình ảnh các đường dây dẫn điện, ổ cắm điện nằm trên nền đất ẩm, hoặc khu vực sử dụng các thiết bị điện như máy hàn, máy cắt… được đặt ngay gần nơi chứa vật liệu dễ bắt cháy như ván gỗ, sơn, dung môi, thùng các-tông, cáp điện… Trong trường hợp xảy ra rò điện, chập điện hoặc tia hàn bắn ra có thể dễ dàng gây ra các sự cố cháy, nổ đáng tiếc nếu không có sẵn các phương tiện chữa cháy ban đầu hoặc thiết kế công trình không đáp ứng điều kiện an toàn PCCC.
Trong quá trình xây dựng có nhiều nguyên vật liệu dễ cháy, nổ được sử dụng như xăng, dầu, khí gas hoặc gỗ,... Ngoài ra, một số vật liệu khác như giấy, bạc nhựa, ván gỗ,.... cũng thường được sử dụng để làm lán trại cho công nhân. Nếu không thận trọng khi sử dụng các vật liệu này và không tuân theo các qui định về phòng chống cháy, nổ trên công trường thì nguy cơ xảy ra hỏa hoạn là rất lớn, có thể gây chết người, cháy nhà hoặc sập đổ công trình.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn dễ xảy ra cháy, nổ tại các công trình đang xây dựng
Để đảm bảo an toàn cháy trong quá trình xây dựng, đồng thời đảm bảo các hạng mục, thiết bị cho công trình có chất lượng tốt sau khi đưa vào sử dụng, khuyến cáo một số yêu cầu cơ bản nhằm đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình thi công, cụ thể như sau:
1. Ban hành các quy định về an toàn PCCC trong quá trình thi công. Đơn vị trực tiếp đảm nhận thi công phải có trách nhiệm thông báo, phổ biến đến các cán bộ, công nhân trên công trường, các công nhân phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động và PCCC trong quá trình thi công. Thành lập đội PCCC cơ sở và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cơ bản cho các đội viên để có thể biết cách PCCC và xử lí tình huống kịp thời.
2. Phải đảm bảo quy trình và các điều kiện an toàn khi sử dụng điện, các thiết bị điện trong quá trình thi công.
3. Đặc biệt là các hoạt động như hàn, cắt kim loại phải có thiết bị che, chắn để vẩy hàn nóng đỏ không rơi, bắn vào các vật liệu dễ bén lửa gây cháy. Trong thời gian gần đây đã xảy ra những vụ cháy lớn, gây thiệt hại về con người cũng như tài sản mà nguyên nhân là do hàn kim loại. Nên việc đặc biệt cẩn thận trong các hoạt động hàn, cắt kim loại là rất cần thiết.
4. Trong quá trình thi công phải trang bị các thiết bị chữa cháy ban đầu để dập tắt đám lửa ngay khi vừa phát sinh (các bình chữa cháy xách tay).
5. Trước, trong và sau khi lắp đặt các thiết bị điện, thiết bị nội thất cho công trình, thì các bao bì, vỏ hộp dễ bén lửa phải được dọn sạch đề phòng nguy cơ chập điện gây cháy từ các vật liệu này.
6. Phải có biện pháp thông gió đề phòng nguy cơ cháy nổ khi tiến hành sử dụng các loại sơn, dung môi để sơn cửa hoặc sơn các thiết bị nội thất trong các phòng, khu vực kín gió.
Để tránh những vụ hỏa hoạn đáng tiếc gây ra không những thiệt hại về tính mạng và tài sản mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà thầu và chủ đầu tư. Các nhà thầu và chủ đầu tư cần chủ động quan tâm hơn nữa đến việc hạn chế nguy cơ cháy, nổ tại công trình, hạn chế đến mức tối đa các nguy cơ cháy, nổ, giúp người lao động yên tâm làm việc và đảm bảo tiến độ công trình.