Thực hiện mệnh lệnh của Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam về triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp khi có sự cố cháy, nổ xảy ra tại cơ sở; Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Quảng Nam đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm an toàn PCCC và CNCH bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bằng nhiều hoạt động cụ thể:
Ngày 27/12/2024, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với Công ty TNHH may Châu Sơn tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại Nhà máy may Núi Thành thuộc Công ty TNHH may Châu Sơn, địa chỉ: thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tình huống cháy giả định là do sự cố hệ thống điện tại máy vi tính trong khu vực văn phòng của cơ sở. Khi xảy ra cháy, đám cháy nhanh chóng lan truyền trên diện tích bề mặt, có nguy cơ cháy lan rộng ra toàn bộ khu văn phòng và các khu vực xung quanh, dưới tác động nhiệt của đám cháy có nguy cơ sụp đổ cấu kiện xây dựng nếu không được cứu chữa kịp thời. Trước tình huống trên, lực lượng chữa cháy cơ sở tiến hành triển khai lực lượng, phương tiện được trang bị tại chỗ để chữa cháy theo phương án đề ra.
Nhận được tin báo cháy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường, nhanh chóng phối hợp với lực lượng PCCC cơ sở, phân công nhiệm vụ cho các tiểu đội triển khai ngay lực lượng phương tiện cứu người bị nạn, ngăn chặn cháy lan và dập tắt đám cháy. Thông qua diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nhằm nâng cao công tác phòng ngừa, thực tập khả năng tổ chức triển khai chữa cháy kịp thời, thực hành các phương pháp cứu nạn cứu hộ, thao tác chữa cháy bằng các dụng cụ phương tiện chữa cháy tại chỗ khi sự cố cháy, nổ xảy ra.
Đồng thời từ ngày 23/12/2024 đến ngày 28/12/2024, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở Công ty Quản lý bay Miền Trung và Cảng hàng không Chu Lai cho 23 đội viên Đội PCCC cơ sở. Trong thời gian tập huấn, các học viên được trang bị kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy; kỹ năng tự thoát nạn và cứu người trong đám cháy; biện pháp xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; thực hành sử dụng hệ thống chữa cháy và các phương tiện chữa cháy tại chỗ được trang bị tại cơ sở. Đợt huấn luyện lần này nhằm giúp cho các học viên, nhất là người đứng đầu, đội viên đội PCCC cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nâng cao kiến thức PCCC; từ đó, chấp hành đúng các quy định của pháp luật, chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong thời gian diễn ra đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Ngày 23/12/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 46/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường tuyên truyền về nguy cơ cháy, nổ, thường xuyên tập huấn kỹ năng thoát nạn, chữa cháy, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với từng công trình, cơ sở, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; thường xuyên, liên tục tổ chức kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025; xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định phải kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.
Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở, hộ gia đình, khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Quảng Nam hướng dẫn mọi người thực hiện các biện pháp an toàn về PCCC sau đây:
I. Tại nơi ở: Chủ hộ và các thành viên trong mỗi gia đình cần thực hiện:
1. Kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật dụng khác có khả năng cháy được, nơi để các loại hàng hóa và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác.
2. Kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chạm chập, ngắt mạch điện. Các dây dẫn vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt phải được thay thế; các mối nối trên dây dẫn điện phải được siết chặt, quấn băng keo cách điện; các thiết bị điện lắp đặt trong nhà phải đảm bảo an toàn.
3. Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, dùng nước xà phòng để kiểm tra độ kín của bình, dây dẫn gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng. Khi phát hiện có rò rỉ gas, hoặc ngửi thấy mùi gas tuyệt đối không bật bộ phận đánh lửa của bếp, không bật công tắc điện, đèn hay bất cứ dụng cụ thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt nào; nhanh chóng mở cửa để gió tự nhiên vào cho thông thoáng khu vực nhà bếp, đồng thời kiểm tra vị trí bị rò rỉ. Nếu vị trí rò rỉ là trên đường ống dẫn gas chỉ cần khóa van tổng của bình gas là an toàn và gọi người của đại lý gas đến để xử lý.
4. Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi thờ cúng, khoảng cách từ ngọn hương đèn phải cách trần tối thiểu là 0,5m. Không để các đồ vật dễ cháy như hương, đèn, vàng mã sát nơi đốt hương, đèn; khi thắp hương, đèn, đốt vàng mã phải có người trông coi.
5. Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng trong gia đình ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn. Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà khi không cần thiết. Trường hợp phải dự trữ thì phải bảo quản trong các dụng cụ kín, chắc chắn, để cách xa các nguồn nhiệt.
6. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa dẫn xăng dầu phải kín.
7. Không sử dụng gỗ, tấm nhựa mút xốp để ốp tường, trần, vách ngang nhằm hạn chế cháy lan.
8. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện.
9. Trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
10. Không lắp lồng sắt, lưới sắt trên lan can nhà nhiều tầng, trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa, chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi có cháy xảy ra.
11. Cửa có nhiều khóa, nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khóa dễ thấy dễ lấy.
12. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa phòng của những người trên.
13. Chuẩn bị các dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn.
14. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra, trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
15. Khi xảy ra cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy theo số điện thoại 114 hoặc đội dân phòng, ban bảo vệ dân phố, công an hoặc chính quyền gần nhất, sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.
16. Trao đổi trong gia đình để mọi người đều biết các biện pháp phòng cháy chữa cháy nêu trên.
II. Đối với nơi làm việc, nơi sản xuất kinh doanh:
1. Trước khi tiến hành công việc phải thực hiện kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi làm việc, nơi sản xuất kinh doanh do chính mình đảm nhiệm, nếu phát hiện có dấu hiệu mất an toàn về phòng cháy và chữa cháy phải tìm mọi cách để khắc phục.
2. Không đốt nhang, đèn để cúng và đun nấu trong khu vực sản xuất, văn phòng làm việc; không để vật tư, hàng hóa, phương tiện cản trở lối đi, lối thoát nạn.
3. Không tàng trữ các chất nguy hiểm cháy như xăng, dầu, gas tại nơi làm việc và trong khu vực kinh doanh. Những nơi quá trình sản xuất, kinh doanh liên quan đến các chất dễ cháy phải tuân thủ các quy định về sử dụng, bảo quản các chất dễ cháy đó.
4. Các hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa đường dây dẫn điện, chấn lưu đèn neon, bảng điện khoảng cách tối thiểu là 0,5m. Không dùng bàn là, bếp điện, bóng đèn sợi đốt để sấy khô hàng hóa (trừ các thiết bị chuyên dùng); khi sử dụng quạt di động hoặc quạt cố định ở khu vực có nhiều vật tư, hàng hóa phải có lồng bảo hiểm.
5. Khi nghỉ làm việc phải tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt đồng thời kiểm tra các yếu tố khác có thể phát sinh nguồn nhiệt tại khu vực do mình đảm nhiệm.
6. Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra dù là nơi ở hay nơi làm việc phải hô hoán cho mọi người cùng biết, nhanh chóng sử dụng các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị để khống chế đám cháy, đồng thời phải báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số điện thoại 114 để được hỗ trợ kịp thời.